Nghiên cứu sinh khối và khả năng tích tụ carbon của rừng ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình: Luận văn ThS. Kiểm soát và bảo vệ môi trường: 608501

Authors: Lê, Bá Biên,

Hệ sinh thái rừng ngập mặn là hệ sinh thái đặc biệt phân bố vùng ven biển nhiệt đới và cận nhiệt đới. Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của người dân vùng ven biển như bảo vệ đất, chống xói lở, tạo điều kiện để bồi lắng phù sa, giảm nhẹ tác động của thiên tai, lũ lụt,cung cấp gỗ, củi, lâm sản ngoài gỗ….. Tỉnh Thái Bình có hệ thống rừng ngập mặn phân bố ở 2 huyện ven biển là huyện Tiền Hải và huyện Thái Thụy, với chủ yếu là bần, trang, sú, vẹt… đây là hệ sinh thái không những có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng hộ ven biển mà còn có giá trị kinh tế cao khi tham gia thị trường carbon thông qua việc hấp thụ carbon của thực vật rừng ngập mặn. Sinh khối rừng ngập mặn không những có ý nghĩa to lớn về giá trị khoa học, kinh tế đối với con người và sinh vật trong hệ sinh thái rừng ngập mặn mà còn có vai trò quan trọng trong quá trình biến đối sinh học của hệ sinh thái đó là quá trình phân hủy, tích lũy xác thực vật góp phần giảm hiệu ứng nhà kính. Đặc biệt hơn nữa là hiện tượng nóng lên của trái đất có liên quan đến vấn đề tích tụ carbon trong sinh khối cây rừng, đề tài thực hiện lấy mẫu 31 cây rừng ngập mặn trong 14 ô tiêu chuẩn để xác định sinh khối và khả năng tích tụ carbon trong thực vật, kết quả như sau: Trong tổng số 31 cây lấy mẫu tại 14 ô tiêu chuẩn, chiều cao trung bình của các cây được lấy mẫu là 3,35m, cây cao nhất được lấy mẫu là 5,5 m và cây thấp nhất là 1,5 m; đường kính thân cây tại vị trí 1.3m trung bình là 9,53 cm, cây có đường kính thân cây tại 1.3m cao nhất là 14,1 cm và cây có đường kính nhỏ nhất là 5,41 cm; trọng lượng tươi của thân, cành, lá và rễ trung bình của các cây được lấy mẫu là 46,27 kg, cây có trọng lượng cao nhất là 72,7kg và cây có trọng lượng tươi thấp nhất khi lấy mẫu là 9,6 kg. kết quả tính toán 14 ô tiêu chuẩn đường kính thân cây tại vị trí 1.3m trung bình của các cây trong ô tiêu chuẩn là 12,3 cm, đường kính cao nhất là 15,96 cm và thấp nhất là 5,88 cm; chiều cao thân cây trung bình 5,34 m, chiều cao cây cao nhất là 9,75 m và thấp nhất là 3,06 m; mật độ cây trung bình là 1.947 cây/ha, ô tiêu chuẩn có mật độ cao nhất là 6.700 cây/ha và mật độ thấp nhất là 56 cây/ha. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy rằng cây tổng sinh khối khô thấp nhất là 4,10 kg/cây, cây có tổng sinh khối khô lớn nhất là 41,04 kg/cây, và tổng sinh khối khô trung bình là 19,32 kg/cây. Dựa trên kết quả điều tra ô tiêu chuẩn và mô hình tương quan Power, chúng tôi đã tính toán được tổng lượng sinh khối dao động từ 0,79 đến 38,16 tấn/ha, tổng lượng sinh khối trung bình là 9,24 tấn/ha. Tổng lượng sinh khối toàn bộ lâm phần rừng ngập mặn là 34.275 tấn. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy rằng cây có hàm hượng carbon tổng số thấp nhất là 2,17 kg/cây, cây có hàm lượng carbon tổng số lớn nhất là 21,83 kg/cây, và hàm lượng carbon tổng số trung bình là 10,41 kg/cây. Nghiên cứu đã tiến hành điều tra 14 ô tiêu chuẩn ngoài thực địa với các thông số trung bình như sau, đường kính thân cây từ 5- 19,2 cm, chiều cao thân cây từ 3 - 9,72 m , mật độ từ 56 - 6.700 cây/ha và carbon tổng số từ 0,39 - 19,08 tấn/ha, trung bình 4,62 tấn/ha. Tổng lượng carbon toàn lâm phần rừng ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình tích tụ là 17.138 tấn carbon. Với diện tích rừng ngập mặn là 3.709,1 ha và kết quả nghiên cứu của chúng tôi thì tổng lượng carbon toàn lâm phần rừng ngập mặn hấp thụ được là 17.138 tấn, lấy đơn giá là 11 USD/tấn thì giá trị kinh tế mà rừng ngập mặn Thái Bình khi tham gia thị trường carbon là trên 188 nghìn USD. Đây là một giá trị không nhỏ đối với người quản lý rừng, đặc biệt là cộng đồng dân cư đang quản lý rừng cộng đồng tại 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy tỉnh Thái Bình. Từ kết quả nghiên cứu về sinh khối và khả năng tích tụ carbon rừng ngập mặn ven biển tỉnh Thái bình chúng tôi có một số kiến nghị như sau: Bảo vệ diện tích rừng ngập mặn hiện có và tích cực tăng thêm diện tích rừng từ các bãi bồi và diện tích còn trống tại các xã ven biển 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy, hạn chế người dân phá rừng ngập mặn để phát triển kinh tế nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính; Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường và đặc biệt là rừng ngập mặn tại Thái Bình có ý nghĩa rất đặc biệt về phòng hộ ven biển, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư hưởng lợi từ hệ thống rừng ngập mặn ven biển; Cần tiếp tục các nghiên cứu sâu hơn về khả năng tích tụ carbon của hệ thống rừng phòng hộ ven biển bao gồm rừng ngập mặn, rừng phòng hộ phi lao, trảng cỏ cây bụi,... vùng ven biển Thái Bình nhằm tham gia thị trường carbon để cộng đồng dân cư được hưởng lợi từ rừng...

Chi tiết bài viết mời các bạn tham khảo tại đường link:

http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/60143

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này